Chiến thắng trên đất Tống càng huy hoàng bao nhiêu thì sức lực mà Tống dồn cho trận đòn thù lên nước ta càng khủng khiếp bấy nhiêu. Cuộc chiến xâm lược do nhà Tống phát động và kết thúc với trận tử thủ Như Nguyệt là một trận chiến bất đối xứng và không hề có đường lui, cũng như không được phép thua. Dẫu cho chúng ta cuối cùng cũng dành chiến thắng, nhưng sự hy sinh anh dũng của vô số các danh tướng tài năng và những đoàn quân tinh nhuệ đã khiến cho chiến tích này trở nên vô cùng bi thương và mất mát. Các vị anh hùng tiền bối đã dùng máu xương của mình mà tô vẽ núi sông này để lại cho con cháu vậy. Quả thật là:
“Ba xứ non sông một dải liền
Máu đào xương trắng điểm tô nên
Cơ trời dù đổi trò tang hải
Mặt đất chưa tàn nghiệp tổ tiên
Có nước có dân đừng rẻ rúng
Muốn còn muốn sống phải đua chen
Giật mình nhớ chuyện nghìn năm cũ
Chiêm, Lạp xưa kia vốn chẳng hèn”
(Nhượng Tống)
Giai đoạn một
Không cân sức và không có đường lùi
Công phá Như Nguyệt, quân Tống 3 đường tiến công
Do không có thuyền để đưa quân sang sông nên cuối cùng quân Tống đành quyết định đóng bè gỗ sang sông mà không chờ thủy quân nữa. Quách Quỳ quyết định tung hết phần lớn quân Tống công phá chiến lũy Như Nguyệt ở cả ba hướng như sau:
- Mặt trận Phú Lương phía Bắc lũy Như Nguyệt do danh tướng Yên Đạt chỉ huy cùng với Khúc Chẩn đánh vào đoạn lũy do phò mã Hoàng Kiện và công chúa Động Thiên trấn đóng. Sau khi đột phá xong, đoàn quân này sẽ đánh vào sau lưng phòng tuyến Cổ Pháp.
- Mặt trận Như Nguyệt là mặt trận chính do đích thân Quách Quỳ tổng tư lệnh cùng Triệu Tiết, Ôn Cảo, Miêu Lý, Diêu Tự, Vương Tiến, Lưu Mân, Đặng Trung, Bình Viễn và hai tướng kỵ binh là Trương Thế Cự và Vương Mẫn chỉ huy đánh vào đoạn lũy Như Nguyệt do tướng Nguyễn Căn, Mai Cầm và công chúa Vũ Thanh Thảo trấn giữ. Sau khi đột phá sẽ đánh thẳng vào Cổ Pháp giáp công cùng cánh quân ở trên của Yên Đạt. Dự kiến là nghiền nát Cổ Pháp xong sẽ tiến về Thăng Long.
- Mặt trận Nham Biền phía Nam lũy Như Nguyệt do danh tướng Tu Kỷ và Đào Bật chỉ huy đánh xuống Vạn Xuân, rồi tiến về phía Tây Thăng Long với 20 vạn quân và 5,000 kỵ binh. Đạo quân này còn có nhiệm vụ đánh chặn không cho thủy quân nhà Lý ứng cứu lũy Như Nguyệt.
Trong bối cảnh quân địch chia quân ba đường công kích một chiến tuyến dài cả trăm km, khuyết điểm của việc quân số ít hiện ra rất rõ. Mỗi một chiến tuyến hầu như là 1 đạo quân Việt phải đối đầu với đối phương đông gấp 2 đến 3 lần. Vì thế những trận đánh long trời lở đất đã diễn ra, các chiến binh Đại Việt anh dũng của chúng ta đã không còn lựa chọn nào khác ngoài việc lấy thân máu xương mà ngăn bước quân thù.
Mặt trận Như Nguyệt, Quách Quỳ nướng quân để phá lũy
Mặt trận Như Nguyệt là mặt trận chủ yếu đột phá lũy do đích thân Quách Quỳ chỉ huy với tổng cộng 20 vạn quân cùng với 1 vạn kỵ binh và các tướng giỏi như Triệu Tiết, Ôn Cảo, Miêu Lý, Diêu Tự, Vương Tiến, Lưu Mân, Đặng Trung, Bình Viễn và Trương Thế Cự cùng tham gia thống lãnh.
“Tại chiến lũy Như Nguyệt, Đại Việt. Ngày 19 tháng giêng, mùa Xuân, niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng thứ nhì đời vua Lý Nhân Tông bên Đại Việt, bên Trung Nguyên nhằm niên hiệu Hy Ninh thứ mười đời vua Thần Tông nhà Tống (Đinh Tỵ, DL.1077). Đúng giờ Thìn. Ba tiếng pháo lệnh nổ trên không. Các đạo binh triều thiện chiến bậc nhất, từng thắng Tây Hạ, Bắc Liêu biết bao nhiêu trận, ào ạt xuống những chiếc bè khổng lồ. Người người tay mang vũ khí mắt đăm đăm nhìn sang bên kia sông. Chiến lũy cao vòi vọi, rào tre dầy đặc kiên cố. Trên đài cao chiến lũy, hai cây cờ màu vàng, một cây có hình chim âu màu đen, đó là kỳ hiệu của hiệu Bổng Thánh; một cây có hình chim âu màu xanh, đó là kỳ hiệu của hiệu Bảo Thắng.
Bè từ từ rời bến tiến dần ra giữa sông, rồi áp sang Nam ngạn. Hàng chục vạn con mắt đều đăm đăm nhìn lên chiến lũy. Hàng vạn cung thủ, tên nạp cung chờ đợi, để hễ thấy quân Việt nhô lên là buông tên. Hàng trăm vạn người hồi hộp, khi bè tiến gần đến Nam ngạn, vẫn không thấy bóng quân Việt đâu, chỉ thấy trên trời mười đoàn chim ưng bay lượn. Thình lình những tiếng rú kinh hồn, xé gió trên không, rồi Lôi tiễn bắn thẳng vào những bè chở quân. Mỗi mũi Lôi tiễn trúng giữa bè phát nổ inh tai nhức óc, thì tiếp theo hàng trăm người bay tung xuống sông, thịt nát xương tan. Lẫn trong tiếng Lôi tiễn là tiếng thét, tiếng la, tiếng rú, tiếng kêu của những kẻ đau đớn cùng cực.
Quân Việt từ trên chiến lũy dùng lao phóng xuống, mỗi mũi, một quân Tống bị giết. Nhưng tướng Tống vẫn ra lệnh leo rào. Lớp này chết, lớp khác tiếp nối. Miêu Lý là một trong những tướng tài trí, võ công cao thâm, y ra lệnh cho ba tướng chỉ huy ba đạo binh, tung đội thiết đột lăn xả vào chặt rào. Thoáng một cái, đã chặt được ba bốn lớp rào. Có chỗ đặt chân, quân sĩ reo hò leo lên, nhưng lại bị bắn ngã lộn xuống. Việt bắn mặc Việt bắn, Việt phóng lao mặc Việt phóng lao, Việt dùng giáo dài đâm mặc Việt đâm; người này chết, người khác tiến theo. Hơn khắc sau, quân Tống đã đứng ở lớp rào thứ ba. Quân trên chiến lũy vẫn dùng tên bắn xuống, quân Tống ra sức chém rào, lớp lớp bị bắn ngã xuống sông như sung rụng. Người này ngã, người khác tiếp tục leo lên. Phút chốc xác chết lấp đầy hai lớp rào. Lớp người sau dẵm lên xác chết chết người trước, tiến lên lớp thứ tư. Miêu Lý hô lớn:
– Chư quân tiến lên! Một là chiếm được chiến lũy, hai là chết; còn hơn chết ở dưới bờ sông này. Quân Tống ào ạt tiến lên lớp thứ năm, lớp này bị bắn ngã, lớp khác nối tiếp như đàn kiến. Đến đây, các bè đã nối thành phù kiều. Quân Tống từ bên kia sông lại ùn ùn kéo sang. Cứ thế, trên bắn xuống, dưới liều chết leo lên. Sang giờ Tỵ thì quân Việt cạn tên, quân Tống nhờ đó phá được lớp lớp rào thứ bảy. Xác chết nằm xếp lên nhau lớp lớp bên ngoài. Tại các phù kiều, quân, tướng ùn lại, không còn chỗ đứng. Đến đây xác quân Tống trôi lềnh bềnh trên mặt sông, nằm kín các lớp rào, các đợt quân sau không còn chỗ leo lên nữa.
Quách Quỳ ra lệnh cho các tướng:
– Mỗi người đem theo đội võ sĩ vượt lên chiến-lũy đánh dạt quân phòng thủ, như vậy may ra mới có thể thành công.
…
Thanh Thảo đưa mắt nhìn Quách Y. Phương Tiên, rồi nhìn vợ chồng Mai Cầm. Cả năm như cùng tương thông với nhau.
Công chúa cung tay vái Miêu Lý:
–Xin đa tạ lượng quân tử của Miêu tướng quân. Năm chúng tôi được lệnh giữ chiến lũy. Nay chiến lũy vỡ, thì chúng tôi xin chết theo chiến lũy. Thình lình cả năm cùng đưa kiếm lên cổ tử tử. Bấy giờ là thời kỳ Nho học cực thịnh của Trung-nguyên, người người đều trọng kẻ sĩ tận trung báo quốc; bây giờ binh tướng Tống chứng kiến cái chết trung liệt của một thiếu phụ trẻ với hai cặp vợ chồng tướng Việt, bất giác họ cùng hướng tử thi năm vị lạy một lạy”.
(Trích Nam Quốc sơn hà-Trần Đại Sỹ)
Bất chấp tổn thất thảm trọng về nhân mạng, Quách Quỳ vẫn nghiến răng cho quân tiến lên, dùng chiến pháp biển người để hòng đánh bật chiến lũy Như Nguyệt. Y dùng một tên Việt gian là Nguyễn Dư vốn là em ruột giống tướng Nguyễn Căn giả truyền mệnh lệnh giết được tướng trấn thủ Như Nguyệt là Nguyễn Căn. Các vị tướng quân bị bắt trong trận chiến đều tự sát trên chiến trường quyết không hàng giặc. Tuy Đại Việt có thể nói là thua trong trận này, mất 6 vị tướng, nhưng tổn hại của Tống bị hao hụt đến mười vạn người, chưa từng thấy trong các cuộc chiến trước đó. Số lượng tử sĩ quá lớn, Quách Quỳ ra lệnh cho quân lấy y phục bọc xác rồi chôn tại chỗ chứ không thể đưa về nước hết được.
Bình luận trận đánh, Triệu thị chinh tiễu Giao Chỉ ký viết: “Quỳ ham lập công, mà hy sinh mười vạn nhân mạng. Nếu như không có Nguyễn Dư giả Nguyễn Căn ra lệnh làm rối loạn quân Việt, thì binh triều còn chết biết bao nhiêu nữa”.
Phú Lương vỡ trận, phò mã công chúa cùng xả thân
Mặt trận Phú Lương, danh tướng Yên Đạt của Tống cũng thành công đột phá lũy Như Nguyệt sau một trận đánh long trời với các hiệu Thiên tử binh do phò mã Hoàng Kiện và công chúa Động Thiên chỉ huy. Quân Việt đã anh dũng chiến đấu nhưng số lượng quá ít nên cuối cùng đã không thể cản quân Tống phá lũy. Cả phò mã và công chúa cùng các tướng lãnh toàn bộ đều hy sinh tại trận. Đạo quân Tống này của Yên Đạt sẽ công thẳng vào sau lưng phòng tuyến Cổ Pháp, trong lúc đó quân của Quách Quỳ dần dần tiến lên, các hiệu Thiên tử binh thủ hộ phòng tuyến này dưới sự giáp công hai mặt chắc chắn sẽ tan vỡ.
“Lệnh Quách Quỳ ban ra rằng đúng giờ Thìn sáng ngày 19 tháng giêng, ba mặt Vạn Xuân, Như Nguyệt, Phú Lương đồng vượt sông. Yên Đạt đổi lại, ra quân trước hai giờ. Đúng giờ Dần, y cho quân xuống bè vượt sông. Quân ta chuẩn bị chống trả. Khi bè tới giữa sông thì dừng lại. Y cho quân đánh trống reo hò, rồi Lôi tiễn từ các bè bắn trực xạ vào các lớp rào. Hàng rào bốc cháy khắp nơi. Bấy giờ chúng mới cho bè sang Nam ngạn, hô quân đổ bộ. Về phía ta, Trần Di thấy giặc bắn Lôi tiễn thì hiểu rằng hàng rào vô dụng rồi. Hầu đợi cho các lớp rào bị cháy gần hết, quân Tống reo hò leo lên chiến lũy; bấy giờ quân ta xuất hiện đánh xuống.
Nhưng khổ một điều Thần nỏ ở dưới bè bắn trực xạ trở lên. Quân sĩ chết quá nhiều. Âu Lam, Âu Hồng tung thần ưng, thần phong đánh xuống, lập tức bọn hàng binh dưới bè cũng dùng cờ ra lệnh cho ưng, phong quay trở lại đánh ta. Ưng, phong không biết tuân lệnh ai, chỉ bay lượn trên trời. Đứng trước mối nguy, công chúa Động Thiên, phò mã Hoàng Kiện lệnh cho quân lùi lại phía sau, chờ quân Tống leo vào trong chiến lũy, mới dùng Thần nỏ bắn ào ạt. Nhưng khốn nỗi, chỉ có mười dàn Thần nỏ, thì sao cản nổi năm vạn quân? Phò mã Hoàng Kiện, công chúa Động-Thiên lệnh cho Hùng Trí, Hùng Tín sai hổ, báo, ngao, tượng phối hợp với Thần nỏ, Thiên tử binh lâm trận. Cứ mười Thiên tử binh lại có một cao thủ phái Tiêu-sơn hỗ trợ. Quân Tống chết hàng hàng lớp lớp. Nhưng bọn Yên Đạt, Khúc Chẩn vẫn thúc quân tiến lên. Giữa lúc ấy bọn hàng binh, hàng tướng đã vào trong chiến lũy; chúng dùng tù và, cờ, ra lệnh cho hổ, báo, ngao, tượng quay ngược lại đánh quân ta. Thú binh đứng trước hai lệnh trái ngược, chúng trở thành ngơ ngơ ngác ngác. Lập tức hàng ngũ quân Việt hỗn loạn ngay. Đứng trước nguy nan đó, Hùng Trí, Hùng Tín, Âu Lam, Âu Hồng xua đội cảm tử cố chọc thủng trận bọn hàng quân, tấn công bọn thú binh phản quốc. Bọn này không đề phòng, thành ra chỉ nửa khắc chúng bị giết sạch. Thú binh ta lại phất cờ, rúc tù và sai thú tấn công.
Cho đến lúc này toàn bộ năm vạn quân triều của Tống đã lọt vào trong chiến lũy, phù kiều đã nối; quân tân đằng hải ào ào đổ bộ. Trận chiến cực kỳ khốc liệt. Sau nửa giờ gần như toàn bộ thú binh chết hết; hiệu Vũ Thắng, đội võ sĩ Tiêu Sơn còn lại không quá hai trăm người. Yên Đạt, Khúc Chẩn cho quân vây kín, rồi chiêu hàng”. (Trích Nam Quốc sơn hà, Trần Đại Sỹ)
Mai phục Vạn Xuân, đánh úp Nham Biền
Trước tình thế nguy cấp, Trung Thành Vương chia quân hai đường đánh úp quân của Tu Kỷ đang đổ lên Vạn Xuân, một đường đánh úp căn cứ Nham Biền lúc này quân lực còn khá ít để quân Tống mất đi đất đứng chân.
Trận mai phục cánh quân tiến công của Tu Kỷ, Đào Bật là thành công nhất đối với quân đội Đại Việt, khiến cho hai danh tướng này đành khoanh tay chịu trói. Trận tập kích núi Nham Biền cũng thắng lợi chớp nhoáng, đạo thủy quân do Trung Thành Vương Hoằng Chân sai phái đi đã bắt sống danh tướng Giới Định của Tống. Sau chiến thắng, các hiệu thủy quân Vạn Tiệp và Long Dực liền nhanh chóng rầm rộ tiến lên phía bắc gây áp lực lên trại của Quách Quỳ vốn lúc này đã dồn phần lớn binh lực qua bờ nam Như Nguyệt, bức cho y phải điều quân về cứu viện, nhân đó giải vây cho Thăng Long. Ty Kỷ, Đào Bật cùng Giới Định ba tướng bị bắt sống đều là những danh tướng có hạng thời đó của Tống. Đây có thể nói là một chiến công rất lớn của thủy quân Đại Việt lần này.
“Không biết những gì xảy ra dưới nước, chỉ thấy sóng cuồn cuộn nổi lên. Hơn khắc sau, từ giữa dòng sông « ầm » một tiếng, vương phi Ngọc Nam tay túm tóc Tu Kỷ vọt lên khỏi mặt nước, tà tà đáp lên sàn chiến hạm. Phi ném y xuống mặt chiến hạm đến bộp một tiếng. Chư quân thấy mắt y mở trừng trừng, bụng chương lên như cái trống. Võ sĩ trói y lại. Còn vương phi vào khoang chiến hạm thay y phục. Tiếp theo, Dương Minh túm tóc Đào Bật tung lên chiến hạm, người y bị ba bốn vết thương, máu chảy đầm đìa. Tín Nghĩa Vương dùng mưu bắt được hơn ba vạn quân triều, hơn vạn quân Tân đằng hải rồi, Vương nhìn lại bờ Bắc: Hiệu Hùng Lược, thủy quân tuy ít hơn quân Tống, nhưng đã chọc thủng chiến tuyến khiến hàng ngũ quân Tống rối loạn. Tướng Lý Thật với đội võ sĩ cận vệ vẫn can đảm đứng chỉ huy chống trả. Vương cho hạm đội Thần-phù kết bè làm phù kiều, rồi ra lệnh:
– Dương Minh, Phương Cúc với hiệu Long Dực trấn chiến lũy, bảo vệ phù kiều. Trần Ninh, Trần Ngọc Hương, Lý Ngũ, Mai Ngũ đem hiệu Đằng Hải vượt sông đánh ngược trở lên, tiếp viện Ngô Ức, Phương Dược.
Trần Ninh, Ngọc Hương phi ngựa dẫn đầu cánh tả; Lý Ngũ, Mai Ngũ dẫn đầu cánh hữu. Binh sĩ hiệu binh Đằng Hải như đoàn sư tử đói reo lên rung động mặt sông, thoáng một cái đã vượt phù kiều đánh vào hông trận tuyến của Tống. Trận Tống bị cắt làm ba làm bốn. Các chỉ huy Tân đằng hải chưa có kinh nghiệm chiến đấu, chưa quen phối hợp, thì đấu sao lại Thiên tử binh? Thế là trận Tống bị vỡ. Quân Quân Việt xung vào chém giết, không đầy một khắc, bao nhiêu quân Tống còn lại, hoặc đầu hàng, hoặc bị giết.”
(Trích Nam Quốc sơn hà-Trần Đại Sỹ)