Kể từ cuối thời nhà Lê Trịnh trở đi sang nhà Nguyễn, nước ta đã không còn sử dụng danh hiệu Tam khôi nữa. Tuy vậy Nho giáo vẫn đóng vai trò độc tôn trong việc điều hành đất nước và trở nên ngày càng quan trọng hơn khi nhà Nguyễn thống nhất quốc gia và sở hữu một lãnh thổ rộng lớn nhất và phức tạp nhất trong suốt mấy nghìn năm lịch sử quân quyền của nước ta. Sau hơn 200 năm thấm nhuần giáo hóa từ các quân chủ người Việt, các vùng đất non trẻ như Nam bộ cũng bắt đầu sản sinh ra những nhân tài trị lý quốc gia.
Phan Thanh Giản (chữ Hán: 潘清簡; 1796–1867), tự Tĩnh Bá (靖伯), Đạm Như (淡如), hiệu Mai Xuyên (梅川), Lương Khê (梁溪), là quan đại thần nhà Nguyễn trấn thủ ở miền Nam.
Năm 1825, ông đậu Cử nhân khoa Ất Dậu. Sau đó một năm, ông đậu đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Bính Tuất niên hiệu Minh Mạng thứ 7 (1826). Ông chính là người đậu Tiến sĩ khai khoa ở Nam bộ vậy.
Gia đình gốc Hoa, từ nhỏ hiếu thuận ham học
Vị đại nho đầu tiên khai khoa miền Nam, đại thần tam triều Phan Thanh Giản vốn không phải là người gốc Việt. Tổ tiên ông là người Trung Hoa di cư sang nước ta từ thời Minh, trải nhiều đời mà dần dần thành người bản xứ.
“Tiên tổ là người ở Trung Quốc, cuối đời Minh, di chuyển sang nước Nam, làm nhà ở tỉnh Bình Định. Đến khi loạn Tây Sơn, thì ông tổ đem cả gia quyến đến nhập tịch ở Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long. Thanh Giản thuở nhỏ có tiếng là văn chương. Năm Minh Mạng thứ 7, Giản đỗ tiến sĩ, là đỗ khởi đầu cho Nam Kỳ. Do Hàn lâm viện biên tu, trải thăng đến Lang trung Bộ Hình. Ra làm tham hiệp Quảng Bình.”. (Đại Nam liệt truyện)
Nhờ gốc gác gia đình gia giáo, thụ hưởng nền giáo dục tốt, Phan Thanh Giản từ nhỏ đã tỏ ra là người con hiếu thuận, ham học và có đạo đức tốt. Chuyện hiếu đễ của cụ còn truyền lưu trong dân gian.
“Khi cha qua đời, cụ Phan bưng từng món ăn dâng cúng và đích thân làm cỏ, gánh đất đắp mộ để báo hiếu. Sản nghiệp của cụ không có gì cả. Phu nhân thì đích thân cấy lúa, trồng bông vải. Nhà thờ tổ tiên thì phên tre, cột dựng bằng cây mắm”. (Chuyện xưa tích cũ-Sơn Nam)
Dù gia cảnh không khá giả, cha có lúc bị tù đày hàm oan, cụ vẫn giữ vẹn đạo hiếu và không ngừng khắc khổ học tập.
“Lúc ông được 7 tuổi, mẹ mất sớm, được người cha gởi sang bên ngoại ở làng Phú Ngãi, để ăn học vở lòng với nhà sư Nguyễn Văn Noa, đến năm 1816 Ông theo học trường tỉnh Vĩnh Long. Việc học-hành của ông lại gặp trở ngại, vì cha bị vu cáo nên bị ở tù tại Vĩnh Long. Ông xin ở tù thay cha, nhưng không được chấp thuận. Các quan thuở ấy thấy Ông nhỏ tuổi mà là một đứa con hiếu thảo, lại có đức hạnh và thông minh, nên các quan nâng đỡ cùng khuyên ông nên cố gắng học hành để tiến thân”. (Tìm hiểu các Danh nhân – Nguyễn Phú Thứ)
Tam triều nguyên lão, một vị Nho quan mẫu mực
Phan Thanh Giản là vị tiến sĩ đầu tiên của Nam Bộ, có thể coi ông là người khai khoa của nền khoa bảng miền Nam trong triều đại cuối cùng của nước ta. Cuộc đời ông là một tấm gương sáng của nhà cầm quyền có lẽ trăm năm nữa cũng không bao giờ tái xuất hiện tại miền Nam.
Xuất sĩ năm 30 tuổi (1826, năm Minh Mạng thứ bảy), ông liên tục cống hiến cho 3 triều đại của nhà Nguyễn từ vua Minh Mạng cho đến Thiệu Trị rồi Tự Đức. Suốt 41 năm trường trải Nam ra Bắc, trải qua những năm tháng từ vinh quang cho đến suy vi mất nước, một quá trình vinh nhục nối liền cùng những trải nghiệm có thể nói là hiếm có trong sử sách.Tuy nhiên, tôi sẽ không liệt kê ra những chức vụ mà cụ làm trong ngần đó năm, việc đó đã có nhiều người làm. Tôi cho rằng chính những giai thoại còn truyền lưu đến ngày nay mới có thể khắc họa rõ nét nhất về phong thái của cụ ngày xưa, hiện lên hình ảnh một vị quan phụ mẫu chính trực điển hình của Nho gia, vừa cao thượng lại vừa tận tâm.
Bình dị, không cậy quyền thế, đạo đức thanh cao.
“Bình sinh, cụ rất thích bông quỳ. Theo cụ, vì bông quỳ có sắc tự nhiên, lòng dạ ngay thẳng nên nó dám nhìn vào mặt trời mà không e thẹn với lương tâm mình”.
“Năm đó, cụ về chịu tang cha, đi bằng ghe nhỏ như thường dân. Qua sông Ba Lai, viên cai đồn kêu kêu xét gắt gao; đích thân cụ lên trình và năn nỉ. Sau cụ đòi viên cai đồn tới dinh. Anh nọ hoảng sợ, xin cụ tha tội vô lễ hôm trước.
Cụ đáp: “Đó là ngươi làm đúng phận sự. Ta khen ngợi.” Rồi thăng anh nọ lên chức chánh đội, thưởng một trăm quan tiền”. (Chuyện xưa tích cũ-Sơn Nam)
Bao dung với dân chúng, lấy thân làm gương.
“Cụ Phan Thanh Giản là quan Kinh lược ba tỉnh phía Tây (An Giang, Hà Tiên, Long Hồ). Làm quan lớn có địa vị quyền thế, vậy mà cụ sống cuộc đời thanh đạm, bình dân.
Khi cha qua đời, cụ Phan bưng từng món ăn dâng cúng và đích thân làm cỏ, gánh đất đắp mộ để báo hiếu.
Sản nghiệp của cụ không có gì cả. Phu nhân thì đích thân cấy lúa, trồng bông vải. Nhà thờ tổ tiên thì phên tre, cột dựng bằng cây mắm”.
“Ngày nọ cụ đi thăm mộ. Có tên Cang đi phía trước vác cây tre chưa trẩy nhánh. Chừng qua khúc quẹo, ngọn tre quơ đụng nhầm cụ làm trầy da rách áo.
Cụ nói: ‘Chú kia! Hạ cây tre xuống lập tức. Đưa cây mác cho ta!’
Tên Cang hoảng sợ, e bị trừng phạt nặng nề.
Dè đâu, cụ cầm mác, trẩy nhánh tre cho sạch rồi nói: Như vậy có gọn hơn không? Vác về nhà đi. Từ rày về sau phải có ý tứ, kẻo thiệt hại đến người đi đường”.
(Chuyện xưa tích cũ – nhà văn Sơn Nam)
Nam Kỳ thất thủ, nỗi oan hơn trăm năm của bậc đại nho
Với học vị tiến sĩ khai khoa Nam bộ và đạo đức và tài học của mình, trải qua ba triều đại thờ vua, vốn Phan Thanh Giản có thể phò vua giúp nước làm nên một công nghiệp hiển hách, nhưng số phận trêu ngươi đã không cho điều đó thành hiện thực. Cuộc đời ông đã kết thúc trong bi phẫn và bị hàm oan suốt hơn trăm năm sau, cho đến tận ngày nay.
“Năm thứ 15, tướng Pháp ở Gia Định mang thư đến nghị hòa. Đình thần xin cho sứ đi lại là phải. Thanh Giản cùng Lâm Duy Thiếp xin đi. Vua chuẩn cho 2 viên ấy sung làm Chánh, phó sứ toàn quyền đại thần. Vua rót rượu ngự ban cho, và bảo nên biện bác cho khéo. Khi các viên đến Gia Định, tướng Pháp bức bách ta phải nhường giao đất đai ba tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa và phải chịu tiền bồi là 4.000.000 đồng. Việc đến tai vua, xuống dụ khiển trách nghiêm nghị, đổi làm lĩnh Tổng đốc Vĩnh Long, cùng tướng Pháp bàn làm, để chuộc tội. Sau vì thương thuyết không công trạng, bị cách chức, lưu.
Năm thứ 16, được triệu về, sung làm Chánh sứ đi Tây. Vua hỏi Giản về việc 3 tỉnh, quả là cân nhắc nhẹ nặng mà làm, hay là có ý riêng gì? Giản thưa rằng : Thần xem kỹ thời thế, không thể không được. Thần nay phụng mệnh đi sứ, thành sự hay không thành, là ở 2 nước ấy. Thần chỉ biết hết tâm lực thôi”. (Đại Nam liệt truyện)
Khi cụ Phan bị triều đình Huế xử án tử, tước bỏ chức vị và đục tên trong bia tiến sĩ, không ai lên tiếng cho cụ, duy có đại thần Phạm Phú Thứ, vị khâm sai phó sứ đã cùng công tác với cụ Phan trong hành trình vạn dặm sang Pháp trong vô vọng để đàm phán với Pháp đòi lại lãnh thổ đã mất, ông đã viết bài điếu văn bất hủ nói về công nghiệp của người đồng liêu đáng kính của mình.
Chúng tôi xin phép trích một số đoạn trong bài điếu văn dưới đây để quý độc giả thưởng lãm và hiểu thêm về nỗi oan của cụ Phan:
Tình hình quốc gia vào thời cụ Phan quả là hết sức rối loạn và suy yếu, và đó không phải lỗi của cụ. Nhưng thân là đại thần quốc gia, cụ vẫn hăng hái muốn gắn gỏi làm điều gì đó cho nước nhà.
“Thuyền của chúng quay lại xông vào Bến Nghé
Đồn lớn [của ta] trước sau được ba năm
Hoà thì không xong mà đánh thì không giữ nổi
Vì thế nên Gia [Định] cùng Biên [Hoà], [Định] Tường
Đều bị quân hung dữ tham lam kia lấy mất
Bấm ngón tay việc dùng binh đã kéo dài năm mùa
Chết nhiều người mà kho đụn của quốc gia trống rỗng
Nhà vua thì lo lắng, khó nhọc còn tướng lãnh bầy tôi thì hổ thẹn
Trong khi đang có chuyện lo thì trong nước lại có loạn
Giặc ở phía bắc nhân kẽ hở mà nổi lên
Các xứ Hải [Dương], [Quảng] Yên, [Sơn] Tây, Bắc [Ninh] đều ùn ùn như bầy ong
Khi đó thì có sao chổi lại thêm hạn hán lũ lụt
Từ năm [Mậu] Ngọ (1858) đến năm [Nhâm] Tuất (1862) không năm nào là không có
Giặc bể thì lại ầm ầm
Triều đình dẹp giặc nhưng không có lính giỏi
Thời cơ đưa đến liệu có nghiêng đổ chăng
Bỗng dưng từ bên địch đưa ra ý bàn chuyện hoà
Ta phải hùa theo để nắm lấy
Ngài và ông Lâm [Duy Hiệp] nhận lệnh làm toàn quyền
Tính thời, đo sức thật lo chuyện trời sập”
Mang tiếng là khâm sai toàn quyền lo sự đàm phán, nhưng hỡi ôi kết quả đàm phán là phụ thuộc vào sức mạnh của súng đạn, là thứ mà nhà Nguyễn sao có thể so với cường quốc phương Tây như Pháp. Bản thân của tướng lĩnh Pháp lúc đó đã lên kế hoạch đánh chiếm toàn miền Nam, hòa đàm chỉ là hư chiêu của họ mà thôi. Trong tình trạng đó làm sao trách cụ Phan đã không làm tốt chức trách của mình? Dù biết bản thân già lão và sức có hạn, mặc cho người đời dè bỉu, cụ vẫn mạnh dạn tiếp tục chức trách của mình.
“Gần đây đã mất đi ba tỉnh
Cùng với bốn trăm vạn đồng tiền
Lang sói không thể ghét mà cũng không thể thân cận được
Biển nhỏ phía nam không thể không ở tiếp giáp với chúng
Ba tỉnh Vĩnh Long, [An] Giang, Hà [Tiên] thật chênh vênh
Trách nhiệm lấy lại đất này giao cho ai được bây giờ
Trước đây đi sứ bên tây chí khí đã vững mạnh
Giao cho toàn quyền bây giờ chính là về tay ông
Khi từ biệt dặn dò rằng không được uốn gối (quỳ lạy theo lễ nước ta)
Để lấy lại được đất đai thì phải đền cho họ nhiều tiền
Việc này đã để lại cái hận nghìn năm
Tranh cãi lẫn nhau sợ hết không còn tiền
Biên thuỳ phương nam từ đó rất nhiều việc
Ra quân gây hấn mỗi ngày càng nhiều hơn
Ông lại dâng sớ xin đi thêm lần nữa
[Bày tỏ việc] Ngay hay cong của các nước cho rõ ràng
Phía bên kia cứ khăng khăng nói không chịu
Tiến thoái cùng đường, ông thật chẳng biết phải làm sao
Cái thói của kẻ mọi rợ nói thì mềm mà tay thì cứng”
Và cuối cùng khi đã thất bại hoàn toàn trong hòa ước và phải kêu gọi quân dân đầu hàng để tránh đổ máu thêm, cụ Phan chỉ còn biết lấy sinh mệnh mình ra mà đền nợ nước, giữ vẹn khí tiết nhà Nho.
“Năm trước hòa ước thành lập
Đành chịu cái tiếng tội nhân để làm dịu tình hình gấp gáp
Đất đai rộng lớn không lo toan nên đã bị tấn công
Trách nhiệm thuộc về ta than thở sao kịp nữa
Phong cương đại thần đành lấy cái chết ở nơi đất mình cai quản
Giữ lấy điều nghĩa để thành người nên phải giữ
Một tờ di biểu tỏ tấm lòng của mình
Lo cho nước trong thâm tâm đáng để lên tiếng khóc
Tiếc thay trong giờ phút bão tố này
Ông đem tấm lòng trung để đương đầu với khó khăn
Việc đất đai rồi sẽ được soi chiếu đến
Người đời vẫn xem như làm hỏng việc nước
Trước nay đức độ của ông trong ngoài triều đình đều nghe biết
Văn chương viết ra đều cổ kính nhã nhặn
Ba đời vua làm quan bốn mươi năm và đã bảy mươi tuổi
Giữ lòng cẩn thận không kể ngày đêm
Huống hồ với kinh nghiệm từng trải qua
Được tin tưởng về đức hạnh đối với cả Di [tức người Pháp] lẫn người Hán [chỉ người Việt]
Trên đời này quả là người đọc sách mà lại có nhân phẩm
Gặp việc ắt không làm lỡ việc nước
Hiên ngang trong cõi dù được hay mất
Lũ người thấp kém làm sao nhìn thấu được
Đại thế trong thiên hạ mấy ai biết được
Vốn vì việc quân mà làm tổn thương chí của ông“
(Trích “Bài tưởng niệm cụ Phạm Phú Thứ viếng cụ Phan Thanh Giản – Nguyễn Duy Chính dịch)
Tinh thần Nho học, chính khí phương Nam mãi trường tồn
Kể từ thời chúa Minh Vương, nhà chúa Nguyễn đã đưa văn hóa trở thành quốc sách trong việc bình định vùng đất mới. Để làm cho người lưu dân khai phá phải có cùng tư tưởng, cùng cách suy nghĩ với triều đình nhà Chúa tận miền Trung, các chúa đã sử dụng Nho giáo kết hợp Phật giáo như một giải pháp sáng tạo tài tình để phù hợp với đặc điểm vùng lãnh địa mới với thành phần cư dân và tư tưởng vô cùng phức tạp. Ngoài Phật giáo đã mau chóng dung hòa với nhân dân bản địa và cả lưu dân, thì Nho giáo cùng với quân đội nhà chúa cùng với nhóm di thần nhà Minh đến khai phá vùng đất này cũng nhanh chóng bén rễ.
Nho giáo đã thành công đào tạo một tầng lớp trí thức chủ lưu đóng vai trò lãnh đạo tinh thần và chính trị cho miền Nam non trẻ, thực sự biến miền đất này thành một nơi văn minh giàu đẹp.
Kể từ thời Võ Trường Toản và các bậc danh thần như Gia Định Tam gia, tinh thần Nho học và chính khí miền Nam vẫn luôn cao thượng với niềm trung quân ái quốc vững như bàn thạch. Một mạch cho đến Phan Thanh Giản, vị tiến sĩ khai khoa đất Nam bộ, dù thất bại tuẫn tiết nhưng cuộc đời và tấm lòng ông vẫn là tấm gương cho người đời kính trọng. Khi Vĩnh Long thất thủ, tinh thần kháng Pháp của người dân nơi này vẫn rất cao suốt mấy chục năm sau dưới thời Pháp thuộc. Chính cụ Phan Thanh Giản khi làm Kinh lược Vĩnh Long, đã cho xây Văn Miếu Vĩnh Long ngay năm 1866, năm Vĩnh Long thất thủ. Thiết nghĩ, đây có lẽ là nguồn cảm hứng đến từ lòng trung quân ái quốc của cụ Phan và tinh thần Nho học, chính khí quân tử của đất này vốn đã được hun đúc hơn trăm năm qua chăng?