Cuộc sống hiện đại luôn trong vòng quay gấp gáp. Ai cũng muốn nhanh chóng, làm nhanh, nghĩ nhanh, quyết định nhanh. Cảm giác nếu chậm một giây, một giờ, một phúc thì lỡ biết bao cơ hội. Nhưng vì sao người xưa khuyên rằng: “Dục tốc thì bất đạt”.
Đời Minh có một viên quan chuyên lo việc xử án ở địa phương. Tác phong làm việc của ông này vô cùng đặc biệt, mỗi lần có người đến đây tố tụng, sau khi tìm hiểu nội tình vụ án, nếu như cảm thấy không khẩn cấp, ông liền bảo những người đến thưa kiện rằng ngày mai hãy đến.
Dần dần, ai ai trong vùng cũng đều chế nhạo ông, cho rằng ông lười biếng, không chú tâm vào công việc. Trên thực tế, họ không biết rằng những người đến kiện chỉ vì họ tức giận nhất thời, sau một đêm, họ sẽ suy nghĩ lại và rất có thể sẽ rút lại hành động của mình. “Đến ngày mai mới xử” thật ra là cho những người đến kiện một khoảng thời gian để suy nghĩ lại và cũng cho chính viên quan thời gian để bình tâm suy nghĩ vụ việc cho thấu đáo, tránh những trường hợp oan sai. Nếu thật sự thận trọng, không vội vàng, sẽ tránh được những sai lầm không đáng có.
Muốn đưa ra quyết định một cách đúng đắn, đầu tiên phải tịnh tâm, sau đó bình tĩnh suy xét, từ đó mới có thể quyết định một cách khôn ngoan. Có việc xảy ra hãy cứ từ từ là một phương pháp tốt để giải quyết vấn đề, giảm thiểu sai lầm và mầm tai họa, tránh được rất nhiều những sơ sót do nhất thời hồ đồ mà gây ra.
Không ham nhanh, không ham lợi nhỏ
Thời Xuân Thu từng có một vị quan viên tên Tử Hạ, anh ta rất mơ hồ về công việc cũng như tương lai của mình, bèn đến gặp thầy mình là Khổng Tử, hy vọng được Khổng Tử giúp đỡ.
Gặp được Khổng Tử, Tử Hạ liền hỏi thầy: “Thưa thầy, làm sao để trị vì tốt một địa phương ạ?”
Khổng Tử nghe xong, nói với anh ta: “Nếu con đã chọn con đường làm quan, thì con phải biết kiên nhẫn, phải biết nhìn xa trông rộng, vững bước cầu tiến, không được chỉ vì cái lợi trước mắt, nếu không cuối cùng chỉ có thể dục tốc mà bất đạt, thậm chí mọi nỗ lực con bỏ ra trước đó đều đổ sông đổ biển”.
Tử Hạ sau khi nghe xong lời dạy bảo liền bừng tỉnh. Ông quay về làm việc cần cù chăm chỉ, không còn nóng lòng muốn đạt được thành quả. Một thời gian sau quả thật đã làm nên đại sự.
Khổng Tử từng giảng: “Không ham nhanh, không ham lợi nhỏ”. Làm nhanh dễ hư chuyện; ham lợi nhỏ thì không làm nên được chuyện lớn. Bởi con người một khi vì cái lợi trước mắt, sẽ dễ dẫn đến mù quáng hoặc quên kế hoạch ổn định lâu dài. Câu nói của Khổng Tử chính là muốn khuyên chúng ta khi làm việc gì đó thì phải làm từng bước từng bước, theo tuần tự mà làm, quá nôn nóng, ham mau, ham lợi ích nhỏ trước mắt thì ngược lại không thể đạt được mục đích.
Nhìn xa thì mới thấy được nhiều điều hay
Tăng Quốc Phiên, một danh thần triều đại Mãn Thanh, đã đúc kết một câu: “Việc do vội mà bại, nghĩ nhờ chậm mà đắc”. Bất kỳ sự thành công nào cũng chưa bao giờ thiếu đi một chữ “Nhẫn”, Làm gì cũng không nên vội vã và đi đường tắt. Vội vàng thường sẽ dẫn đến thất bại do sự hoang mang rối loạn.
Trong cuốn “Hàn Phi Tử: Ngoại trữ thuyết tả thượng” có ghi chép lại một câu chuyện của vua nước Tề là Tề Cảnh Công như sau:
Thời Xuân Thu, Tề Cảnh Công là một vị quân chủ nổi danh tài đức. Tề Cảnh Công rất trọng dụng hiền tướng Yến Anh. Một hôm, Tề Cảnh Công đi ngao du bên ngoài, đột nhiên có quân lính đến báo rằng tướng quốc Yến Anh bị bệnh nguy cấp. Tề Cảnh Công giật mình hoảng sợ, vội vã trở về xem bệnh tình của Yến Anh ra sao. Vì muốn mau chóng trở về, Tề Cảnh Công ra lệnh cho thuộc hạ chuẩn bị một xe ngựa và người điều khiển xe ngựa tốt nhất để lên đường.
Trên đường trở về, Tề Cảnh Công nóng vội như lửa, xe ngựa mới đi mấy trăm bước ông đã bắt đầu than rằng, người điều khiển xe ngựa đi quá chậm. Vì thế, ông tự cầm dây cương và chính mình điều khiển xe ngựa. Nhưng đi được mấy trăm bước, Tề Cảnh Công lại bắt đầu nổi trận lôi đình, chê rằng con ngựa ấy đi quá chậm chạp. Cuối cùng, ông nhảy xuống xe và chạy bộ. Bởi vì, Tề Cảnh Công không ngồi xe ngựa mà chạy bộ về nên kết quả là về muộn hơn so với xe ngựa một ngày.
Những câu chuyện này đều để nói với chúng ta bài học: Làm việc không thể nóng vội, tham nhanh. Một người, tâm có thể trầm tĩnh thì mới nhìn được rõ vấn đề. Một khi thấu tỏ được vấn đề, họ sẽ từ trong rối ren mà gỡ được ra và khi ấy, sự tình phức tạp liền biến thành đơn giản. Trái lại vội vàng khiến tâm người rối loạn, làm sự tình phức tạp hơn và không đạt được mục tiêu.
Trong lịch sử, có rất nhiều kẻ nóng lòng tìm kiếm thành công, nhưng cũng có người mưu tính sâu xa, lấy chậm mà chắc để thắng người.
Gia Cát Lượng ẩn cư ở Long Trung, không phải vì không muốn làm đại sự. Ngược lại, vì tham vọng lớn nên phải ẩn mình để chờ thời, để tìm được người xứng đáng cho mình phò tá làm nên đại nghiệp.
Khi Lưu Bị đến mời, Gia Cát Lượng ba lần từ chối để khảo nghiệm xem Lưu Bị kiên nhẫn và kính trọng người tài được đến đâu. Chậm, là một loại trí tuệ, lấy tĩnh chế động, mới là trí giả.
Cuộc sống hiện đại luôn khiến người ta cảm thấy phải sống gấp, làm nhanh, quyết định nhanh. Thực ra đó đều là ảo giác. Muốn thành công phải tích lũy bền vững, muốn nhìn xa phải giữ tâm tĩnh lặng, mới biết được chính xác điều mình cần làm, nên làm, muốn làm. Vậy nên Phật gia giảng Nhẫn, người có thể Nhẫn sẽ làm nên đại sự.