Thời niên thiếu tôi thường được nghe các bậc bề trên trao đổi về những điển tích và những câu chuyện tuyệt hay trong lịch sử. Khi lớn lên tôi rất thích tìm và đọc những câu chuyện ấy, trong đó có những câu chuyện về tình bạn cao cả làm cảm động lòng người.
Câu chuyện về Bão Thúc Nha và Quản Trọng.
Một trong những câu chuyện nổi tiếng về tình bạn là câu chuyện về tình bạn Bão Thúc Nha và Quản Trọng. Tên tuổi của Quản Trọng được nhiều người biết đến trong cổ thư Trung Hoa. Ông làm Tướng quốc nước Tề vào đời vua Tề Hoàn công (Tiểu Bạch). Nước Tề làm nên nghiệp bá thời Xuân Thu ở Trung Hoa (771 – 476 TCN) là nhờ vào tài trị nước và dùng người của Quản Trọng. Ông được người bạn là Bão Thúc Nha tiến cử lên vua và Tề Hoàn công phong ông làm Tướng quốc. Ông nổi tiếng với mưu lược không đánh mà thắng, đó là tấn công địch bằng mưu trí, trừng phạt… và dùng nghĩa để giáo huấn chư hầu.
Bão Thúc Nha và Quản Trọng kết bạn với nhau từ khi còn trẻ. Có thời họ cùng đi buôn và khi có người nói với Bão Thúc Nha rằng Quản Trọng luôn giành phần hơn cho mình thì Bão cười và nói rằng “vì nhà anh ấy nghèo nên cần nhiều tiền hơn”. Về sau cả hai cùng đi lính, Bão Thúc Nha thì dũng cảm xông pha trận mạc còn Quản Trọng thường lùi lại sau. Khi có người nói với Bão Thúc Nha rằng Quản Trọng là kẻ hèn nhát thì Bão trả lời rằng “anh ấy còn mẹ già ở nhà và bà cần được phụng dưỡng”. Biết chuyện Quản Trọng cảm động và nói rằng “sinh ra ta là cha mẹ nhưng biết ta là Bão Thúc Nha”.
Thời ấy vua nước Tề là Tề Tương công (Chư Nhi) là người hoang dâm và vô đạo nên có nhiều kẻ thù. Vua có nhiều con, nhưng hai người con tài giỏi hơn cả là công tử Củ và công tử Tiểu Bạch. Bão Thúc Nha và Quản Trọng bàn với nhau rằng mỗi người sẽ phò tá một trong hai công tử, sau này một trong hai vị đó nối ngôi thì họ sẽ tiến cử nhau để được trọng dụng. Rồi Quản Trọng phò tá công tử Củ và Bão Thúc Nha phò tá công tử Tiểu Bạch. Không lâu sau Tề Tương công bị ám sát, các công tử tranh ngôi và nước Tề bị loạn. Trong cuộc tranh giành ấy Quản và Bão đều bảo vệ chủ của mình và chống lại phe kia. Trong một trận giao tranh Quản Trọng đã bắn bị thương công tử Tiểu Bạch nhưng cuối cùng thì phe của công tử Tiểu Bạch đã thắng, ông đã lên làm vua nước Tề, tức là Tề Hoàn công. Công tử Củ và phe của ông thất bại và phải lánh nạn ở nước Lỗ – láng giềng của nước Tề. Nước Lỗ sợ nước Tề nên đã giết công tử Củ và bỏ tù Quản Trọng.
Bão Thúc Nha đã tìm cách cứu Quản Trọng và đưa bạn mình trở về nước Tề an toàn. Khi Tề Hoàn công tìm người để phong làm Tướng quốc và muốn dùng Bão Thúc Nha thì Bão đã tiến cử Quản Trọng. Tề Hoàn công không quên mối thù xưa, muốn giết Quản Trọng nhưng Bão Thúc Nha đã giải thích cho vua rằng Quản Trọng đã vì chủ của mình mà chiến đấu nên không có tội và Quản Trọng là bậc kỳ tài. Ông nói với vua: “ Có năm điều tôi không bằng được Quản Trọng: thứ nhất rộng rãi mềm mỏng, ra ơn với dân, tôi không bằng được; thứ hai : lấy trung tín mà mua lòng bách tính, tôi không bằng được; thứ ba: trị nước không sai giềng mối, tôi không bằng được; thứ tư: chế lễ nghĩa ra khắp bốn phương , tôi không bằng được và thứ năm: cầm dùi trống đứng giữa ba quân để thúc giục tướng sĩ, tôi không bằng được”. Nghe theo ông, Tề Hoàn công đã dùng Quản Trọng làm Tướng quốc, kính trọng ông như cha và gọi ông là Trọng Phụ. Nhờ đó nước Tề thịnh vượng, hùng mạnh, trở thành bá chủ thiên hạ.
Về sau này khi Quản Trọng bị bệnh thì Tề Hoàn công đến thăm, thấy bệnh ông nặng lắm mới hỏi ông về người có thể thay ông làm Tướng quốc. Thấy nhà vua có ý muốn dùng Bão Thúc Nha thì Quản Trọng nói : ”Bão Thúc Nha là người quân tử, nhưng không có tài chính trị, hay phân biệt thiện ác quá, yêu điều thiện thì phải, chứ quá ghét điều ác thì không được! Bão Thúc Nha thấy ai có điều ác gì thì suốt đời không quên, chúa công không nên dùng làm Tướng quốc.”
Nịnh thần Dịch Nha vào yết kiến Bão Thúc Nha, rồi nói với ông rằng: “Ngày trước ngài tiến cử Quản Trọng lên làm Tướng quốc, nay Quản Trọng ốm nặng, chúa công hỏi chuyện, Quản Trọng lại nói ngài không có tài chính trị mà tiến cử Thấp Bằng, tôi rất lấy làm bất bình.” Bão Thúc Nha cười mà nói rằng: “Ấy chỉ vì thế mà ta mới tiến dẫn Quản Trọng, ông ấy là người trung với nước mà không vì bạn. Giả sử chúa công cho ta làm chức Tư khấu để trừ khử những đứa gian nịnh thì ta làm được, chứ cho ta cầm quyền chính trong nước thì lũ các ngươi còn đất nào mà dung thân nữa?”
Tình bạn Quản Trọng – Bão Thúc Nha thật là cao thượng. Tình bằng hữu của họ được đặt trong lòng trung với nước, với vua. Những trang viết về hai vị đại thần của nước Tề thời Xuân Thu rực sáng trong tác phẩm Đông Chu Liệt Quốc của tác giả Phùng Mộng Long – một trong Tứ Đại Danh Tác của văn hóa cổ Trung Hoa.
Câu chuyện về Lưu Bình và Dương Lễ.
Ở nước ta cũng có những câu chuyện tuyệt vời về tình bạn. Câu chuyện mà trước đây người người đều biết là chuyện về Lưu Bình và Dương Lễ.
Dương Lễ là học trò có người bạn thân tên là Lưu Bình. Hai người đều ham học, yêu văn chương. Họ kết bạn với nhau, rồi cùng lên đường về kinh đô theo học. Hai người được thầy tận tình dạy cho văn chương chữ nghĩa và đạo lý làm người.
Đến kỳ thi Dương Lễ đỗ Tiến sỹ, được bổ làm quan còn Lưu Bình thì thi trượt, phải tủi hổ trở về quê. Cuộc sống khó khăn, lại gặp cảnh loạn lạc, Lưu Bình nghĩ đến người bạn kết nghĩa năm xưa, bèn tìm đến nhà Dương Lễ để nhờ vả. E rằng Lưu Bình nản chí, để khích lệ bạn, Dương Lễ đã không ra tiếp bạn mà sai đày tớ giả vờ hắt hủi Lưu Bình, mời chàng ăn bát cơm hẩm với quả cà thiu, làm cho Lưu Bình cả giận bỏ về. Dương Lễ lại nhờ vợ mình là nàng Châu Long thay chàng đi nuôi bạn ăn học. Châu Long hiểu tấm lòng của chồng liền nhận lời để chăm sóc bạn chồng.
Châu Long từ biệt chồng, nàng một mình đi tìm Lưu Bình. Giữa đường, nàng ghé vào quán Nghinh Hương. Tại đây, nàng gặp Lưu Bình trên đường về quê cũng đang tạm dừng chân. Hai người trò chuyện hồi lâu. Lưu Bình thuật lại quãng đời gian nan của mình, còn Châu Long thì kể rằng cha mẹ gả nàng cho một người giàu, nhưng nàng không chịu nổi cuộc sống với người ấy và tự ý bỏ đi. Khi thấy Lưu Bình ngỏ ý muốn quyết chí đèn sách học hành, Châu Long liền ưng thuận theo chàng về quê để nuôi chàng ăn học.
Châu Long dùng số tiền mà Dương Lễ giao cho nàng đem theo để cất lại ngôi nhà và đón thày về dạy học cho Lưu Bình. Còn nàng ở riêng trong một gian nhà khác, ngày đêm quán xuyến việc gia đình, không chút vương vấn chuyện tình cảm với chàng. Thấm thoắt đã ba năm, Châu Long hết lòng chăm lo cho Lưu Bình ăn học mà lòng nàng không lúc nào nguôi nỗi nhớ mong chồng.
Đến kỳ thi tiếp theo Lưu Bình từ biệt Châu Long và thày dạy để lên kinh đô ứng thí và chàng thi đỗ. Trong khi đó, ở quê nhà, Châu Long đã hay tin Lưu Bình đã thi đỗ, nàng liền sắp đặt nhà cửa gọn gàng ngăn nắp, gửi gắm xóm giềng rồi trở về với Dương Lễ. Khi Lưu Bình vinh quy trở về quê nhà, chàng không tìm thấy Châu Long, lòng chàng canh cánh khôn khuây. Rồi chàng đến thăm Dương Lễ và được bạn ân cần đón tiếp. Khi Lưu Bình buồn rầu thuật lại chuyện gia đình mình thì Dương Lễ gọi vợ ra chào bạn. Nhìn thấy Châu Long thì chàng chợt hiểu sự tình.
Câu chuyện Lưu Bình và Dương Lễ đã được các nghệ nhân đưa lên sân khấu Chèo. Vở chèo cổ „Lưu Bình – Dương Lễ“ là một trong những vở chèo kinh điển, được đông đảo người xem ngưỡng mộ, vì nó tái hiện khung cảnh làng quê Việt xưa xinh tươi với dòng sông, bến nước, con đò… với những anh học trò hiếu học, với những người phụ nữ hiền thục và đảm đang… Vở chèo để lại bài học sâu sắc về tình bạn cao cả, nghĩa vợ chồng tao khang và cách ứng xử đầy tình nghĩa và văn hóa của người xưa.
ĐÔNG QUAN
Tháng 8 năm 2023