Theo truyền thống, người ta cho rằng nhiều tình trạng sức khỏe được coi là “bệnh tâm thần” chỉ đơn giản là sự mất cân bằng về di truyền hoặc sinh hóa. Những tiến bộ hiện đại trong y học tâm thần đã phát hiện ra rằng nguyên nhân của bệnh tâm thần ngày càng liên quan nhiều hơn với lối sống và yếu tố môi trường, và nguyên nhân cơ bản thường là do đa nhân tố.
Dù chúng ta có muốn thừa nhận hay không, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hiện đang ở giữa giai đoạn có những thay đổi cơ bản. Ngày càng có nhiều bệnh nhân mong muốn nhận được câu trả lời cho (những) nguyên nhân gốc rễ của triệu chứng, chứ không đơn giản là một cách tiếp cận ‘hỗ trợ tạm thời’ mang tính che đậy. Một lĩnh vực chủ yếu của y học khiến bệnh nhân, bác sĩ và nhà nghiên cứu phải ra sức tìm kiếm thêm câu trả lời là tâm thần học. Nghiên cứu và nhận thức về bệnh tâm thần đã đạt được những bước tiến lớn kể từ trước đến nay, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Trên thực tế, trong nhiều thập niên, bệnh tâm thần đã bị gạt sang một bên trong ngành y tế và không được quan tâm đúng mực như những tình trạng sức khỏe quan trọng khác mà chúng ta phải đối mặt trên phạm vi toàn cầu như: ung thư, bệnh tim mạch, tiểu đường, v.v.
Các bệnh tâm thần được chẩn đoán phổ biến trên thế giới bao gồm: lo lắng, nghiện ngập, rối loạn ăn uống, trầm cảm, phổ rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn lưỡng cực, mất ngủ, tâm thần phân liệt, v.v. Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (NIMH), 25% người dân Bắc Mỹ bị một bệnh tâm thần có thể chẩn đoán được. Chỉ hai năm trước, Tiến sĩ Marcia Angell, cựu tổng biên tập của Tạp chí Y học New England, đã thảo luận về việc 46% người Mỹ bị sốc khi được chẩn đoán bị một trong các bệnh tâm thần.
Trên thực tế, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet, những rối loạn tâm thần kết hợp với việc lạm dụng chất kích thích là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh không gây tử vong trên toàn thế giới vào năm 2010, đóng góp vào gần 23% tổng số gánh nặng bệnh tật trên toàn cầu! Dữ liệu này được lấy từ Nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật, Thương tích và Các Yếu tố Nguy cơ Toàn cầu vào năm 2010, bao gồm dữ liệu từ 187 quốc gia.
Hàng ngày, có rất nhiều yếu tố có thể tác động đến tình trạng sức khỏe và điều này hoàn toàn đúng khi thảo luận về sức khỏe tâm thần. Theo truyền thống, người ta cho rằng nhiều tình trạng sức khỏe được coi là “bệnh tâm thần” chỉ đơn giản là sự mất cân bằng về di truyền hoặc sinh hóa. Những tiến bộ hiện đại trong y học tâm thần đã phát hiện ra rằng nguyên nhân của bệnh tâm thần ngày càng liên quan nhiều hơn với lối sống và yếu tố môi trường, và nguyên nhân cơ bản thường là do đa nhân tố. Các bác sĩ y khoa hàng đầu như Tiến sĩ Kelly Brogan, Tiến sĩ Jonathan Prousky, Tiến sĩ David Perlmutter, v.v. đang mở ra một bước ngoặt mới và dẫn đầu trong đề xuất về việc đánh giá lại mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần thông thường. Cần xem xét lại việc kê toa dược phẩm như một liệu pháp điều trị hàng đầu do những lo ngại ngày càng gia tăng với sự hình thành tính phụ thuộc và tác dụng có hại của nhiều loại thuốc hướng thần thời nay.
Những tiến bộ gần đây trong nghiên cứu lâm sàng ở lĩnh vực sức khỏe tâm thần đang cho thấy những mối liên quan chặt chẽ: gia đình và cộng đồng, cách ăn uống và dinh dưỡng, độc tố môi trường, niềm tin, kiểm soát căng thẳng, v.v. là những yếu tố cơ bản để có được sức khỏe tâm thần tối ưu. Đây là thời điểm hấp dẫn và thú vị đối với sức khỏe tâm thần khi nhiều nỗ lực đang được thực hiện để xác định nguyên nhân cơ bản và yếu tố gây bệnh. Với sự phát triển và xuất hiện của những phương pháp mới trong điều trị rối loạn tâm thần, đây có thể sẽ là niềm hy vọng hồi sinh cho những người đang phải đối mặt với bệnh tâm thần.
Dưới đây là 5 phương pháp giúp bạn cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần:
1. Hoạt động thể chất
Nhiều độc giả đã theo dõi các bài viết của tôi trong một thời gian sẽ thấy tôi thường lặp lại yếu tố quan trọng này. Đơn giản là vì nếu không nhắc lại thường xuyên, chúng ta có thể sẽ dần lãng quên. Hoạt động thể chất giúp duy trì và cải thiện sức khỏe tinh thần đáng kể cũng như có được một thân hình phù hợp. Chúng ta nên hoạt động thể chất MỖI NGÀY. Điều này không có nghĩa là bạn phải đến phòng tập hàng ngày, mà là bạn nên tham gia một số hoạt động thể chất có chủ đích. Nhưng xin lưu ý rằng việc xem hàng hóa qua ô cửa kính không được tính là hoạt động thể chất! Hoạt động thể chất thường xuyên sẽ giúp giảm viêm, giảm căng thẳng, cải thiện lưu lượng máu và tuần hoàn đến bộ não, cân bằng lượng đường trong máu và hỗ trợ quá trình giải độc. Tất cả những điều này đều là yếu tố quan trọng giúp bạn có một sức khỏe tâm thần tối ưu.
2. Ngủ đủ giấc
Chúng ta thường bỏ qua và coi giấc ngủ là điều hiển nhiên. Giấc ngủ là cách để chúng ta nghỉ ngơi, sửa chữa và tái tạo cơ thể. Toàn bộ cơ thể dường như đang bị tấn công hàng ngày – và giống như sau bất kỳ một trận chiến hoặc cạnh tranh nào, cơ thể cần được nghỉ ngơi hợp lý. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu không bảo đảm chất lượng giấc ngủ, nguy cơ mắc bệnh kinh niên sẽ tăng theo cấp số nhân. Điều này tất nhiên cũng bao gồm các bệnh tâm thần. Giống như hầu hết mọi thứ trong cuộc sống, ngủ quá nhiều cũng có thể gây hại! Vậy chúng ta cần ngủ bao nhiêu tiếng mỗi đêm? Nhiều nghiên cứu liên tục cho thấy rằng 7 giờ ngủ ngon mỗi đêm là con số tối ưu cần thiết để có sức khỏe tốt nhất.
3. Quản lý căng thẳng
Vào thời nguyên thủy, đáp ứng căng thẳng đã giúp chúng ta sống sót bằng cách khiến chúng ta chạy khỏi thú dữ hoặc tiến hành lùng bắt con mồi. Nhưng thời nay, chúng ta đang thực hiện cùng một đáp ứng “cứu mạng” để đối phó với những tác nhân gây căng thẳng mỗi ngày, như: giá xăng tăng lên, diễn thuyết trước công chúng, đối mặt với ông chủ khó tính, tắc đường, v.v. – và thật khó để dập tắt đáp ứng này đi. Thiền định hoặc yoga, thậm chí là các bài tập thở sâu (mà bạn có thể thực hiện ở mọi nơi) có thể giúp ích rất nhiều. Đôi khi, tất cả những gì bạn cần là ra ngoài và đi dạo. Nhưng bên cạnh đó, tôi cũng khuyên bạn nên có một cộng đồng trợ giúp vững chắc từ bạn bè, gia đình và nếu cần, là các chuyên gia tư vấn. Tất cả những cách trên có thể cung cấp cho bạn những công cụ hữu ích để vượt qua căng thẳng về mặt cảm xúc.
4. Giảm tiêu thụ đường
Thực phẩm chính là một phương thuốc để điều trị bệnh. Tuy nhiên, một số thực phẩm cũng có thể gây hại. Một trong các yếu tố dự báo quan trọng của tất cả các bệnh kinh niên là tình trạng viêm kinh niên, liên quan trực tiếp đến sức khỏe tâm thần kém. Việc tiêu thụ đường là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến viêm kinh niên trong cơ thể, do vậy tiêu thụ đường quá mức có thể gây ra một loạt những biến cố bất lợi cho sức khỏe – cả về tinh thần và thể chất. Để tránh dùng đường tinh luyện một cách hiệu quả, bạn không nên chỉ đơn thuần là không dùng đồ tráng miệng hoặc thêm đường vào cà phê – hãy xem nhãn dán của bất kỳ loại thực phẩm và/hoặc bữa ăn đóng gói nào. Việc ăn trái cây thì không thành vấn đề!
5. Mối liên quan giữa đường ruột và bộ não
Tiến sĩ Natash Campbell-McBride, một bác sĩ y khoa có chứng chỉ sau đại học về thần kinh học, nói rằng độc tính trong ruột có thể lan khắp cơ thể và tiến vào bộ não, nơi chất độc gây ra các triệu chứng tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý, trầm cảm, tâm thần phân liệt và nhiều loại rối loạn tâm thần khác. Điều này có nghĩa là, việc nuôi dưỡng vi hệ đường ruột là rất quan trọng để giảm thiểu độc tố trong đường ruột, cải thiện khả năng hấp thụ dưỡng chất, cuối cùng tái thiết sức khỏe tinh thần tối ưu. Gần đây, các nhà nghiên cứu của UCLA đã một lần nữa xác nhận tác động của hệ vi sinh lên chức năng bộ não khi phát hiện thấy lợi khuẩn có thể làm thay đổi chức năng bộ não ở những người tham gia nghiên cứu.
Bài báo được xuất bản lại từ GreenMedInfo.com